Đứt gãy ở vùng biển Việt Nam

Title: Đứt gãy ở vùng biển Việt Nam
Authors: Lê, Duy Bách
Keywords: Mô tả các đứt gãy chính
Issue Date: 2017
Publisher: H. : ĐHQGHN
Citation: 6 tr.
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/18134
Hệ thống đứt gãy Kainozoi đóng vai trò quan trọng trong bình đồ kiến trúc kiến tạo Biển Đông, mạng lưới đứt gãy kiến tạo của Biển Đông rất phức tạp. Trên phạm vi của trũng nước sâu đại dương Biển Đông hệ thống đứt gãy bao gồm: các đứt gãy giới hạn đới trục giãn đáy của Biển Đông. Chúng có phương chủ yếu là á vĩ tuyến ở phần phía đông và ĐB – TN ở phần phía tây nam. Tổ hợp với chúng là các đứt gãy chuyển dạng (tranform faults) có phương chủ yếu là á kinh tuyến và TB – ĐN. Hệ thống đứt gãy đang mô tả được sinh thành trong quá trình giãn đáy của thạch quyển Biển Đông. Các vi lục địa Hoàng Sa – Macclesfield và Trường Sa – Reed bank được đặc trưng bởi hệ thống đứt gãy qui mô trung bình, có các phương chủ yếu là ĐB – TN, á kinh tuyến. Hệ thống đứt gãy này được sinh thành vào các thời kỳ hình thành của móng uốn nếp trước Kainozoi của các vi lục địa. Trong Kainozoi chúng được lôi cuốn vào tái hoạt động và khống chế sự hình thành các bồn trũng Kainozoi và các khối kiến trúc bậc cao. Bức tranh đứt gãy của thềm lục địa bao quanh Biển Đông rất sặc sỡ. Ở thềm lục địa Bắc Biển Đông phát triển hệ thống đứt gãy chủ yếu có phương ĐB – TN và á vĩ tuyến. Một số đứt gãy lớn dự đoán kéo dài từ trong lục địa ra có phương TB – ĐN và á kinh tuyến. Ranh giới giữa thềm lục địa Bắc Biển Đông và thềm lục địa Tây Biển Đông là đới đứt gãy qui mô hành tinh Sông Hồng (Ailaoshan – Sông Hồng) phương Tây Bắc – Đông Nam. Bình đồ kiến trúc của thềm lục địa Tây Biển Đông được quy định bởi hệ thống đứt gãy phương kinh tuyến quy mô thạch quyển Sườn dốc Đông Việt Nam. Hệ thống đứt gãy ở khu vực đông nam thềm lục địa Việt Nam, nơi hiện diện các bồn trũng chứa dầu khí quan trọng Cửu Long, Nam Côn Sơn [H. 4]. Hệ thống đứt gãy chủ yếu có phương á kinh tuyến và một số đứt gãy có phương ĐB – TN và á vĩ tuyến. Trên phạm vi thềm lục địa vịnh Thái Lan phân định được hệ thống đứt gãy đẳng cấp khác nhau có phương chủ yếu là TB – ĐN, ĐB – TN và á kinh tuyến. Các đứt gãy qui mô lớn có phương TB – ĐN như Ba chùa, Mae Ping (Sông Hậu) đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành các bồn trũng Kainozoi vùng vịnh Thái Lan. Cấu trúc nội tại của các bồn trũng Pattani, Malay – Thổ Chu, Cửu Long, Nam Côn Sơn,Tư Chính -Vũng Mây, Đông Natuna, Tây Natuna đều được giới hạn bởi hệ thống đứt gãy khu vực và đứt gãy nội bồn. Ở phần Đông Nam Biển Đông còn bảo tồn đới đứt gãy chờm nghịch qui mô lớn, là di tích của đới hút chìm và va chạm của Paleo – Biển Đông với hệ vi lục địa – cung đảo Borneo – Palawan. Cùng phát triển với đứt gãy này là các hẻm vực và lũng hào Palawan. Chúng là ranh giới giữa vi lục địa Trường Sa – Reed Bank với hệ vi lục địa – cung đảo Borneo – Palawan. Hệ thống đứt gãy Pliocen – Đệ tứ biểu hiện trong kiến trúc hiện đại của các bồn trũng chứa dầu khí Sarawak, Balingian, Baram, Sabah, Tây Palawan.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Động vật không xương sống

Định tuổi tương đối của đá