Địa vật lý

Link bài viết: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/18647
Địa vật lý là ngành khoa học khảo sát định lượng các hiện tượng vật lý của Trái Đất. Địa vật lý phục vụ khảo sát quy mô lớn, cỡ hành tinh, nói chung trong phạm vi phần bên trong Trái Đất và bên ngoài Trái Đất thuộc thủy quyển và khí quyển cùng không gian vũ trụ. Trong mục từ này chỉ trình bày phần liên quan tới quyển rắn của Trái Đất, phục vụ nghiên cứu địa chất. Phần khoa học Địa vật lý dùng trong quy mô nhỏ, phục vụ các lợi ích của con người như khảo sát dầu khí, khoáng sản, v.v… được gọi là Thăm dò địa vật lý hoặc Địa vật lý ứng dụng. Địa vật lý khác Địa chất ở chỗ sử dụng công cụ vật lý để khảo sát đối tượng từ xa, thay vì quan sát trực tiếp. Ngày nay Địa vật lý đã phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ mới trong đo đạc (trong phòng thí nghiệm, ngoài trời và trên vệ tinh) và xử lý số liệu làm cho việc thu thập số liệu được nhanh chóng, chính xác để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, khi các nguồn tài nguyên khoáng sản gần mặt đất hầu như đã cạn kiệt, cần tìm kiếm dưới sâu trên đất liền và ngoài khơi. Ở Việt Nam, các kết quả nghiên cứu địa vật lý bằng thiết bị của các chuyên ngành bắt đầu từ 1924 với trạm quan sát động đất Phủ Liễn (Kiến An, Hải Phòng); Lejey P. và Costes G. đo trọng lực bằng con lắc Holweck-Lejay (từ 1933) và công bố bản đồ trọng lực Đông Dương (1936). Tiếp sau đó là thành lập bản đồ phân vùng động đất Miền Bắc Việt Nam (năm 1968); tham gia năm Vật lý địa cầu (1957-1958), xây dựng Đài Vật lý địa cầu Sa Pa (1957) để quan trắc địa từ và xây dựng bản đồ trường từ bình thường lãnh thổ Việt Nam (1992). Viện Vật lý địa cầu được thành lập năm 1986 thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam), nhằm tiến hành nghiên cứu và điều tra cơ bản về “Vật lý địa cầu”. Công tác thăm dò địa vật lý được phát triển chủ yếu từ 1954, sau thắng lợi của kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhất là từ khi tìm kiếm dầu khí ở đồng bằng Sông Hồng (1961). Nhiều công nghệ địa vật lý hiện đại được áp dụng ở Việt Nam, hiệu quả của nó thể hiện nổi bật trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác mỏ dầu Bạch Hổ ở đá móng granit thuộc bồn Cửu Long của thềm lục địa Miền Nam Việt Nam, trong thành lập bản đồ từ hàng không tỉ lệ 1:200.000 Miền Bắc Việt Nam và phát hiện mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh năm 1962, v.v...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứt gãy ở vùng biển Việt Nam

Động vật không xương sống

Định tuổi tương đối của đá